Khéo ăn khéo nói sẽ có được lòng thiên hạ

Tiếp tục với những kinh nghiệm trong tủ sách self help hôm nay mình sẽ giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách ‘’Khéo ăn khéo nói sẽ có được lòng thiên hạ’’.

‘’Khéo ăn khéo nói sẽ có được lòng thiên hạ’’ là cuốn sách được chắp bút bởi tác giả Trác Nhã -một cây bút với văn phong mượt mà sâu sắc.

Ông cha ta có câu ‘’ Học ăn học nói học gói học mở’’ từ xa xưa việc ăn nói đã được đánh giá cao trở thành bài học đầu tiên trong hành trình sống con người. Và ngày nay trong nhịp sống công nghệ khi con người dần xa cách thì việc ăn nói lại càng thêm ý nghĩa, ăn nói hay chính là giao tiếp tốt sẽ mở ra cho bạn những cơ hội thành công ‘’Khéo ăn khéo nói sẽ có được lòng thiên hạ’’. Vậy như thế nào là khéo giao tiếp? Đó phải chăng là nói thật nhiều, hay là chỉ nói những lời hoa mĩ những điều tốt đẹp? Trong cuốn sách ‘’Khéo ăn khéo nói sẽ có được lòng thiên hạ’’ tác giả Trác Nhã đã có những dòng lập luận sắc bén về chuyện giao tiếp. Theo Trác Nhã khéo ăn khéo nói không phải là nói thật nhiều hay chỉ nói những điều tốt đẹp, những lời hoa mĩ mà chính là nói đúng và trúng vấn đề. Nói thật nhiều không phải là sẽ giúp người khác cảm thấy bạn thân thiện hay dễ gần mà đôi lúc sẽ khiến người khác cảm thấy phiền phức. Còn cách khéo khi chỉ nói những lời hoa mĩ có thể giúp bạn lấy được thiện cảm nhưng đôi lúc nó sẽ chính là con dao hai lưỡi khiến bạn trở nên giả dối thiếu chân thành trong cuộc trò chuyện.

Dũng cảm mở lời, dám nói mới biết cách nói

Những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, cho dù là trong cuộc sống hay trong công việc điều có thể cảm thấy mình nói chuyện không khéo và luôn sợ mình sẽ nói sai, do đó không dám chủ động nói chuyện với người khác, để sự e ngại và nỗi lo lắng gây áp lực cho chính mình khiến bản thân bỏ lỡ nhiều việc tốt và mất đi cơ hội thăng tiến. Thực tế, không ai sinh ra đã khéo ăn nói, những người khéo nói cũng phải trải qua rèn luyện mới thành. Chỉ cần nỗ lực học tập, bạn sẽ trở thành người tuyệt vời nhất.

Khéo ăn nói do rèn luyện mà nên

Ăn nói khéo léo là chìa khóa mở ra cánh cửa giao tiếp giữa người với người, giúp bạn có thể đến gần với thế giới của người khác. Hãy nhìn những người thành công trong giao tiếp xã hội, trong công việc hay trong tình yêu, họ luôn có thể nói lên được suy nghĩ của mình, khiến người khác vui vẻ chấp nhận những suy nghĩ đó.

Những người có tài ăn nói, nói ra lời nào cũng đều khiến người khác phải chú ý đến. Thế nhưng tài ăn nói không tự nhiên mà có, kể cả đối với các chuyên gia hùng biện, không phải trong trường hợp nào những lời họ nói ra cũng đều được tán dương, tài ăn nói của họ cũng chỉ có được sau quá trình rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm.

Ai trong chúng ta cũng biết ‘’Khéo ăn khéo nói’’ chính là bước đệm của thành công, giúp chúng ta có được thiện cảm được mọi người yêu mến. Nhưng không phải ai cũng may mắn được sở hữu chiếc chìa khóa dẫn lối thành công ấy. Ăn nói khéo, giao tiếp giỏi không phải tự nhiên mà có nó là cả quá trình rèn luyện rút kinh nghiệm, là những cố gắng nỗ lực để thấu hiểu tâm lí của những người xunh quanh. Và hơn tất cả sẽ là sự chân thành trong giao tiếp, chắc chắn rằng trong chúng ta sẽ chẳng có ai muốn lắng nghe một người mà những ngôn từ anh ta nói ra đều là giả dối. Vậy làm thế nào để có thể trở nên khéo trong giao tiếp? Trong giao tiếp luôn tồn tại những quy luật ngầm và chỉ cần thấu hiểu quy luật đó bạn sẽ đạt được hiệu quả trong giao tiếp. Trong cuốn sách ‘’Khéo ăn khéo nói sẽ có được lòng thiên hạ’’ kinh nghiệm kĩ năng và quy luật ấy sẽ được tác giả Trác Nhã bật mí để người đọc có thể nắm giữ và xây dựng cho mình chìa khóa thành công.