Mộ đom đóm
Chiến tranh gây ra biết bao những nỗi khổ đau, mất mát và để lại cả những bi thương, hằn sâu trong trái tim mỗi người những ám ảnh. ‘’Mộ đom đóm’’ là một câu chuyện đầy nước mắt về bi kịch của chiến tranh được chắp bút bởi tác giả Akiyuki Nosaka vào năm 1967.
Hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết rằng chiến tranh sẽ gây ra bao nhiêu hậu quả đau thương, mất mát và hậu quả ấy đè nén lên toàn nhân loại. Đặc biệt là những đứa trẻ vô tội khi chiến tranh đã cướp đi cha mẹ, người thân, cướp đi những điểm tựa trong cuộc sống của trẻ thơ.’’Mộ đom đóm’’ là câu chuyện đầy nước mắt về hai anh em giữa những tháng năm chiến tranh khốc liệt.
Những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh thế giớ thứ hai, thành phố Cobe bị Mỹ ném bom. Nhà cửa tan hoang nhiều gia đình li biệt, Seita phải cùng em đi lánh nạn cho đến khi gặp lại được mẹ thì bà đã bị bỏng nặng chẳng thể cứu nổi. Bố của hai em đang chiến đấu cho Hải quân Hoàng gia Nhật và chẳng có tin tức nào. Nỗi đau mất mẹ đè nặng lên trong lòng hai đứa trẻ nhưng để có thể tiếp tục sống hai anh em phải đến sống với người dì ích kỉ. Bà luôn hằn học và đay nghiến hai đứa trẻ bởi trong suy nghĩ của bà chúng là những con người vô dụng chẳng giúp gì được cho đất nước. Phần thức ăn trong nhà luôn được dành cho chồng và con vì họ là những người đang phục vụ Tổ Quốc. Người dì ấy còn nhẫn tâm đến mức bán đi tất cả những bộ Kimono – kỉ vật duy nhất mà mẹ hai đứa trẻ để lại. Cuối cùng trước sự đay nghiến tàn nhẫn ấy của người dì hai đứa trẻ đã xách theo những thứ đồ lỉnh kỉnh, cùng 1 chiếc ô rách đến sống trong một căn hầm tránh bom bỏ hoang. Trong căn hầm tối tăm ấy, Seita và Setsuko đã trải qua những ngày tháng gian khổ, đói khát, ốm đau bệnh tật…Và cho đến khi chẳng thể đủ sức chống chọi người em của Seita cô bé Setsuko đã ra đi mãi mãi.
Bao chùm lên cuốn sách ‘’Mộ đom đóm’’ là câu chuyện thấm đẫm bi thương của hai anh em Seite và Setsuko. Trong câu chuyện ấy chẳng có những cao trào kịp tính, hành động mạo hiểm nhưng lại khắc sâu trong lòng người đọc những tông màu bi thương, ám ảnh và tràn đầy nước mắt. Cảnh tượng người mẹ bỏng nặng thân quấn bông trắng đầy máu đỏ tươi, Seita ôm bình tro cốt của mẹ, hai anh em đào mộ chôn những chú đom đóm, sự ra đi của Setsuko khi em chút hơi thở cuối cùng, đôi mắt to tròn nhưng hoàn toàn trống rỗng bên cạnh con búp bê vải cũ mèm và hộp kẹo mà em yêu thích đã hết nhẵn…Những bi thương đầy ảm ảnh mà hai đứa trẻ trải qua đã khắc sâu trong lòng người đọc và càng làm ngời sáng lên tình yêu thương của hai anh em. Ngay trong cảnh đời tối tăm nhất, hai đứa trẻ ấy vẫn giữ trong tâm hồn mình sự hồn nhiên ngây thơ, Seita luôn cố gắng để giữ cho em gái mình những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Còn đối với Setsuko chỉ cần được bên anh trai là vẫn còn hạnh phúc và hi vọng. Là một đứa trẻ hiểu chuyện em nhận thức rõ tình cảnh của bản thân, hiểu rõ những lời đay nghiến của bà dì và em cũng thấu rằng mẹ đã ra đi mãi mãi. Em hiểu tình thương sự đùm bọc mà người anh Seita muốn đem đến cho mình, em trân trọng những tình thương đó và sống trọn trong từng phút yêu thương nhưng rồi những khoảng khắc ấy lại diễn ra ngắn ngủi như vòng đời của một con đom đóm mà thôi !
‘’Mộ đom đóm’’ sẽ cho người đọc thấy bi kịch mà Seita và Setsuko phải trải qua, cho ta thấy được cả những bi kịch mà chiến tranh đã gây ra. Nỗi đau mà hai đứa trẻ nếm trải là nỗi đau điển hình mà biết bao con người phải hứng chịu. Và giờ đây khi được tái hiện nỗi đau ấy lại gây cho người đọc những ám ảnh, khắc vào lòng người những vết thương sâu sắc và cảnh tỉnh con người về hậu quả của chiến tranh.