Sẽ có cách đừng lo
Không phải là những đau đớn chia ly như trong những cuốn tiểu thuyết ngôn tình hôm nay mình sẽ giới thiệu đến bạn đọc những lạc quan hi vọng với cuốn sách ‘’Sẽ có cách đừng lo’’.
‘’Sẽ có cách đừng lo’’ là cuốn sách được chắp bút bởi tác giả Tuệ Nghi với những câu chuyện gần gũi sâu sắc chạm đến mạch cảm xúc giản dị nơi trái tim.
1. Nỗi buồn.
Sống trong cuộc đời này ai cũng đều mang trong mình những nỗi buồn, chúng ta buồn chuyện gia đình, chuyện bạn bè và cả chuyện công việc. Nếu thử nhẩm tính thì cuộc đời chúng ta sẽ chẳng bao giờ bước ra khỏi những nỗi buồn bởi câu chuyện này đi qua thì sẽ lại có một vấn đề khác khiến bạn buồn lòng…Vậy thì chúng ta phải làm gì trước những nỗi buồn nối tiếp ấy đây? Là chấp nhận buông xuôi ủ rũ trong những vết thương lòng ấy hay mạnh mẽ bước qua. Viết về những nỗi buồn trong cuộc sống con người tác giả Tuệ Nghi như đã chạm đến tận cảm xúc của nỗi buồn. ‘’Sẽ có cách đừng lo’’ là cuốn sách viết về những nỗi buồn trong cuộc sống con người, chạm đến và len lỏi đến cung bậc cảm xúc trong trái tim. Tuệ Nghi đã đem đến trong cuốn sách những câu chuyện buồn, những bất hạnh tổn thương mà con người gặp phải, tác giả đã hướng ngòi bút về những nghịch cảnh bất lực và cả những xa rời chia li…để người đọc đau trong những nỗi đau ấy, khóc trong những tổn thương và sau đó là bước về tương lai mạnh mẽ.
Mùa hè năm 2008, tôi chạm chân tới Sài Gòn trên những chiếc xe nồng nặc mùi người, mùi hối hả là tôi của tuổi 15, ngây ngô và khờ dại thật sự. Tối mất định hướng, tối khóc ầng ậc mỗi khi nghe người ta nhắc đến ba, đến mẹ. Chuyến xe buýt cuối cùng kết thúc sau một lần bị lừa thì cũng là lúc tôi và mẹ chỉ còn mười mấy nghìn đồng để chia đôi với nhau. Không nhà ở, không thức ăn, không phương tiện đi lại, không người thân. Chúng tôi chỉ có đôi chân để đi và đôi tay để làm việc. Tôi xin phụ bán hàng, xin được ngủ lại và được ăn cơm hai bữa mỗi ngày. Mọi người bây giờ nhìn thấy tôi ít bao giờ ăn sáng, chẳng phải tôi ỏng ẻo kén chọn mà là bởi vì dạ dày tôi quen rồi. Quen từ thời phải tiết kiệm từng bữa sáng nên bây giờ sương không quen, ăn vào đau dạ dày.
Chủ cửa hàng đuổi, vì tôi cứ trốn vào nhà kho mà khóc rưng rức, tôi lại ôm bọc quần áo, lội bộ hàng mấy cây số để xin việc khác.Tôi không biết vì sao mà lúc đó trong tâm trí tôi không có suy nghĩ về việc từ bỏ hay cạy cục xin xỏ, dù rằng tôi cũng có nhiều họ hàng khá giả. Tôi vẫn muốn đi học, vào đại học là niềm hi vọng duy nhất của tôi lúc bấy giờ, nhưng những trung tâm giáo dục thường xuyên luôn là nỗi ám ảnh của những đứa gà mờ như tôi. Tôi bị đánh, bị nhấn đầu vào bồn cầu, bị đe nẹt uy hiếm hằng ngày bỏi những “đàn chị” trong trường. Nhưng tôi lì lợm đến mức bạn bè cho là “vô liêm sỉ” khi vẫn vác mặt đến học. Tôi không từ bỏ, tôi không sợ bị ức hiếp, miễn là được đi học! Tuổi ăn tuổi ngủ lại thiếu thốn, lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự nhục nhã đến cùng cực khi nhặt lại hộp phở xào dang dở của con gái chủ tiệm vứt vào thùng rác cạnh lối đi.
2. Hi vọng.
‘’Sẽ có cách đừng lo’’ là cuốn sách viết về những nỗi buồn đau bất hạnh nhưng lại không khiến cho người đọc bi lụy trong những đau thương mà tác giả chỉ cho nỗi đau ấy hiện lên để con người khắc sâu và rồi lại gieo vào những hi vọng. Bởi chuyện gì thì cuối cùng rồi sẽ có cách, là đau đớn hay tổn thương thì chúng ta vẫn phải bước qua vẫn phải, bước về tương lai phía trước. Cuộc sống khó khăn là có nhưng không phải khó là không còn lối đi quan trọng là chúng ta có đủ can đảm mạnh mẽ và ý chí để bước qua những ngày giông bão cuộc đời hay không mà thôi. Sở dĩ niềm vui tồn tại là bên cạnh nó luôn có nỗi buồn, nỗi buồn sẽ giúp ta thấu được giá trị của những ngày có niềm vui và chỉ cần chúng ta có đủ kiên định để bước qua những ngày tháng ấy thì chắc chắn niềm vui sẽ vẫy gọi.
Thi thoảng, khi thức dậy, tôi lại chào buổi sáng bằng tiếng thở dài. Cuộc đời là một chuỗi đầy những âu lo, làm sao tránh khỏi những lúc hoang mang không biết đời mình rồi sẽ ra sao? Giới hạn giữa được và mất quá mong manh, có rồi lại mất, ngày hôm qua còn là của mình nhưng có ai biết được đến hôm nay hay ngày mai liệu có phải sẽ trở thành của người khác hay không?
Tôi cuống cuồng tìm cách níu giữ những thứ mình mất đi, tôi mệt nhoài trong mỗi phút phải gồng mình hứng chịu những cơn mưa đời không biết đến bao giờ mới tạnh.
Tôi đã từng ước, giá mà tôi được trở lại tuổi thơ, khi mà những ước mơ của tôi chỉ dừng lại ở tấm áo mới, cuốn truyện tranh. Tuổi thơ là khi tôi dễ dàng tìm được cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc nhất, chỉ cần được nghỉ học một buổi là đã cảm thấy hưng phấn của năng lượng hạnh phúc mang lại. Nhưng giờ đây tôi rất khó để tìm về cảm giác đó. Hạnh phúc nhất là khi được làm trẻ con, dù rằng thời trẻ con cứ mong được làm người lớn.
Chiều tắt nắng, tôi đi bộ thơ thẩn trên phố, thấy dòng đời vẫn hối hả, có lẽ tôi đã lạc trong sự hối hả đó quá lâu. Có quá nhiều những áp lực đè nén trong lòng khiến đôi khi tôi không biết mình thật sự cần gì, và đâu mới là thứ thật sự khiến tôi hạnh phúc.
Bất giác, tôi thở dài giữa dòng đời tấp nập những tiếng thở dài khe khẽ. Tôi dừng chân dưới một căn chung cư cũ kỹ, leo hết những nấc cầu thang nhỏ bé đầy rêu phong, ghé vào một quán cà phê nhỏ. Catinat chiều mưa vẫn buồn và lắng đọng như thế, tình khúc Phú Quang da diết đưa tôi ra khỏi những câu hỏi “vì sao” cứ bủa vây lấy tôi mỗi lúc lạc lòng.
Buổi chiều bao trùm hình bóng nhỏ nhoi bên góc ban công thẫn thờ nhìn ra phố. Cuộc đời là những niềm vui chưa tày gang , là những nỗi buồn cứ bám riết lấy ta không nguôi. Đời dù ô trọc mà vẫn phải gượng cười, đời dù cay đáng mà vẫn phải nuốt ngược vào trong. Chiến ở đời, ai thắng ai thua rồi cũng phải về lại với cát bụi. Gọi là cõi tạm mà sao phải khổ như thế?
Tôi để đôi chân trần được nghỉ ngơi trong chốc lát trước khi lại mệt nhoài ngược xui trên đường đời. Tôi nhận ra rằng hạnh phúc là vô hình, là khi tôi ngồi ở đây, nhìn qua kẽ lá thấy mưa bắt đầu rơi tí tách, cuộc đời lững thững trơi, gánh hàng rong vẫn xuôi ngược giữa tấp nập thành thị, kẻ khóc người cười, hỉ nộ ái ố, tôi bước ra khỏi những cuộc chiến vô nghĩa trong cô độc. Tôi thứ tha cho những điều đã làm mình đau đớn, sự tha thứ đó là món quà dành cho chính tôi, để tôi có thể thanh thản mà bước tiếp bởi không ai có thể đi xa nếu cứ gánh theo trên vai những uất hận ở đời.
Hạnh phúc là khi tôi được bình an.
Mọi thứ đều có cách giải quyết, nút thắt nào cũng sẽ có cách để mở, người cần đến sẽ đến và người cần đi buộc lòng phải ra đi.
3. Thấu cảm.
Không chỉ đem gieo vào lòng người những hi vọng về một ngày mai tươi sáng ‘’Sẽ có cách đừng lo” của tác giả Tuệ Nghi còn hướng người đọc về với hình ảnh người phụ nữ để thấu cảm và sẻ chia cho những nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Phụ nữ trong con mắt của định kiến xã hội là những con người vô dụng, ăn hại, bị bỏ rơi là do không đủ thông minh bị phản bội là do không đủ sáng suốt tất cả mọi lỗi lầm đều do phụ nữ…Phụ nữ yếu đuối đáng lẽ ra cần được bảo vệ, phụ nữ sai lầm đáng được nâng đỡ nhưng ấy vậy mà định kiến xã hội lại sãn sàng đổ lên trên đôi vai bé nhỏ của họ mọi lỗi lầm, bắt họ phải cam chịu và hi sinh. Viết về những nỗi đau mà người phụ nữ đang phải gánh vác Tuệ Nghi đã dùng trọn trái tim để thấu cảm, để đau và để lên tiếng nói cho những bất công .
Khí chất: Xấu cũng được, đẹp thì tốt. Nhưng thứ quan trọng của một người phụ nữ không phải là xấu hay đẹp mà là khí chất. Đừng nghĩ khí chất là khi cố bôi trát hàng hiệu từ đầu đến chân. Khí chất của một người phụ nữ nằm ở cách đối nhân xử thế, cách sống với đời, với người.
Cá tính: Không phải chuyện gì cũng nhảy vào nâng quan điểm, phán xét với từ ngữ ngoa ngoắt thì gọi là cá tính. Cá tính thật sự nó nằm ngấm ngầm rất khó nhận ra. Người phụ nữ có cá tính riêng thường ít nói lời ngoa ngoắt với thiên hạ, họ lắng nghe nhiều hơn và chỉ nói vừa đủ. Sân si và cá tính là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau mà nhiều người hay bị nhầm lẫn.
Độc lập: Tự mình kiếm thật nhiều tiền, bằng cách chính đáng. Thời buổi kinh tế khó khăn, trầy vi tróc vẩy kiếm được đồng tiền để nuôi sống bản thân không phải dễ đang gì. Nhưng phải cố gắng lên! Kiếm nhiều thì tiêu nhiều, kiếm ít thì tiêu ít. Miễn không phải ngửa tay xin xỏ bất kỳ người đàn ông nào là được. Thích gì thì tự kiếm tiền mà mua, đừng tiểu xảo bòn mót từ đàn ông rồi yêu cầu đàn ông phải tôn trọng mình, không có đâu. Độc lập là thứ mà đàn bà luôn phải ghi nhớ và thực hiện để có thể ngẩng cao đầu mà bước.
Đàn ông: Đừng chăm chăm tìm kiếm người đàn ông mà “thiên hạ” hay gọi là “soái ca”. Con nhà giàu, học giỏi lại đẹp trai cũng không quan trọng rằng thằng đàn ông đó có yêu mình thật hay không, có sẵn sàng dang tay ra bảo vệ mình dù trời đất sập xuống hay không. Đừng yêu một người đàn ông chỉ biết chổng mông gào lên ba tiếng: “Anh yêu em!” . Đừng bao giờ nghe đàn ông nói mà hãy nhìn cho rõ những gì họ làm.
Yêu bản thân mình: Đừng phó thác đời mình cho người đàn ông nào cả. Đừng bắt ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Đừng đòi hỏi ai phải yêu mình hết lòng khi chính mình còn chưa biết tự yêu bản thân.
Nhà văn nổi tiếng người Anh sống ở thế kỷ thứ 18 Dr. Samuel Johnson đã từng nói một câu rất chua cay: ” Thưa ngài, một người phụ nữ đi thuyết giảng thì cũng tựa như một con chó đi bằng hai chân sau. Nó không đi giỏi lắm nhưng ngài sẽ ngạc nhiên bởi nó đi được bằng hai chân sau.”
Phụ nữ nếu muốn được tôn trọng thì bản thân phải nỗ lực rất nhiều, tự tin và tôn trọng chính mình. Dẫu biết là phụ nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhưng nếu có kiếp sau thì tôi vẫn ước mình là phụ nữ. Để làm gì ư?
Tất nhiên là để làm khổ đàn ông rồi…(tôi đùa thôi!)
Theo cảm nhận của bản thân mình thì ”Sẽ có cách đừng lo” là một cuốn sách thực sự rất hay, nó gieo vào lòng người đọc buồn đau, để cho người đọc những hi vọng và sau đó là lên tiếng nói thấu cảm. Cuốn sách ấy phù hợp với mọi thế hệ người đọc mọi thế hệ, đặc biệt là những ai đang bước trên cung đường tương lai với muôn vàn gian khó.